Thinking, Reviews & Solutions



TRƯỜNG HỢP ANH BẢY QUÝT !

Mấy bữa nay báo chí rùm beng vụ anh Bảy Quýt bán chứng khoán "chui".  Nói "chui" là không đúng, vì thật ra anh Bảy Quýt bán nhưng không báo cáo trước, và theo luật nhà nước ta thì đây là hành vi vi phạm trong mua bán chứng khoán.

Khúc này, lại có người thắc mắc, ủa tui mở tài khoản trading chứng khoán, mỗi lần giao dịch có cần báo cáo gì đâu? Đúng rồi bạn êy, phần lớn người chơi chứng không cần phải báo cáo khi mua-bán, nhưng sẽ có một số người thì luật bắt phải thực hiện việc báo cáo khi họ có dự định mua - bán cổ phiếu, nghĩa là phải công bố thông tin dự định mua -bán cổ phiếu đó trước khi giao dịch một khoảng thời gian cụ thể, ví dụ tối thiểu là trước 10 ngày.

Vậy những người phải thực hiện việc báo cáo đó là ai? 

Họ gồm những người sau đây:

i) Người nội bộ của công ty có cổ phiếu dự kiến giao dịch, gồm:  là Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, thành viên Hội đồng quản trị hoặc thành viên Hội đồng thành viên, người đại diện theo pháp luật, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó Giám đốc), Giám đốc tài chính, Kế toán trưởng và các chức danh quản lý tương đương do Đại hội đồng cổ đông bầu hoặc Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty bổ nhiệm; Trưởng Ban kiểm soát và thành viên Ban kiểm soát (Kiểm soát viên), thành viên Ban kiểm toán nội bộ; thư ký công ty, người phụ trách quản trị công ty, người được ủy quyền công bố thông tin.

ii)  Người nội bộ của quỹ đại chúng hoặc công ty đầu tư chứng khoán đại chúng là thành viên Ban đại diện quỹ đại chúng, thành viên Hội đồng quản trị công ty đầu tư chứng khoán đại chúng, người điều hành quỹ đại chúng, người điều hành công ty đầu tư chứng khoán đại chúng, người nội bộ của công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán.

iii) Cổ đông lớn, nhóm người có liên quan sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của công ty đại chúng; nhà đầu tư, nhóm người có liên quan sở hữu từ 5% trở lên chứng chỉ quỹ của quỹ đóng.

iv) Cổ đông sáng lập trong thời gian bị hạn chế chuyển nhượng của công ty đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng.

v) Nhóm nhà đầu tư nước ngoài có liên quan sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của 01 tổ chức phát hành hoặc từ 5% trở lên chứng chỉ quỹ của quỹ đóng.

vi) Cổ đông, nhóm người có liên quan mua vào để sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của công ty đại chúng; nhà đầu tư hoặc nhóm người có liên quan mua vào để sở hữu từ 5% trở lên chứng chỉ quỹ của quỹ đóng.

vii) Tổ chức, cá nhân thực hiện chào mua công khai cổ phiếu của công ty đại chúng, chứng chỉ quỹ đóng của quỹ đầu tư mục tiêu; công ty mục tiêu, công ty quản lý quỹ đầu tư mục tiêu.

Như vậy, nếu bạn không thuộc những nhóm người trên thì không phải thực hiện báo cáo.

Tại sao anh Bảy Quýt làm vậy?

Nếu suy nghĩ đơn thuần thì việc báo cáo chẳng là vấn đề gì cả, thế thì người buộc phải báo cáo sao không chịu báo cáo?

Trong oánh nhau, làm ăn, chụp giựt... thì yếu tố bất ngờ góp phần quan trọng trong chuyện thành công, thắng lợi, giựt được đồ thơm cho người muốn thắng. Giả định rằng, anh Quýt làm đúng luật, báo cáo xong rồi mới bán chứng khoán, có thể xảy ra một trong hai trường hợp:

- Nhà đầu tư hay con bạc sẽ hoảng hốt khi biết tin đầu tàu thoái vốn, và họ không tin vào nội lực của doanh nghiệp có cổ phiếu đó, nên họ tranh thủ bán luôn trước khi đầu tàu xả cảng. Lượng người bán nhiều, cổ phiếu xả ra nhiều thì tự nhiên giá cổ phiếu sẽ giảm. Đây là điều anh Quýt không ưng, hoặc anh Quýt lo lắng.

- Nhà đầu tư, con bạc không quan tâm, mà coi đó là cơ hội, chờ đầu tàu xả cảng để mua thêm, nếu như họ tin vào nội lực của công ty có cổ phiếu đó, và cơ hội giá cổ phiếu tiếp tục tăng trong tương lai.

Đương nhiên, chỉ có kẻ trong cuộc mới hiểu người trong kẹt, chỉ có Bảy Quýt mới tin, mới hiểu uy tín của mình, nội lực doanh nghiệp mà mình đang sở hữu cổ phiếu với tỷ lệ chi phối. Và đương nhiên ảnh sẽ biết mình phải làm gì, ảnh sẽ "vô ý" quên báo cáo để tạo yếu tố bất ngờ, và để ngăn giá cổ phiếu không giảm quá nhiếu khi ảnh bán ra. Ảnh khôn thôi, hổng có ngu, nhưng mà bất kỳ cái gì, khi mà khi lòng tham lớn quá thì ....vậy thôi, chuyện xảy ra như báo đăng sau đó.

Trường hợp anh Bảy Quýt có điển hình không?

Thật ra, hơn 400 năm về trước, khi sàn giao dịch chứng khoán đầu tiên xuất hiện tại Amsterdam - Hà Lan, thì việc gian lận trong giao dịch chứng khoán đã bắt đầu xuất hiện cho đến ngày hôm nay, ở bất kỳ thị trường của bất kỳ quốc gia.

Các hành vi gian lận trong giao dịch chứng khoán gồm có: làm giá, thao túng, giao dịch nội gián, bán khống, không thực hiện báo cáo theo quy định... mà các hành vi này nhằm mục đích mang lại lợi ích cho cá nhân, nhóm cá nhân hoặc tổ chức, và gây thiệt hại cho những cổ đông, những người còn lại. Với trường hợp anh Bảy Quýt, thì đây là một trong các hành vi vi phạm về việc báo cáo trước khi giao dịch, vì anh Quýt là chủ tịch tập đoàn của cái cổ phiếu mà anh dự định bán, cho nên, theo luật Việt Nam thì anh phải báo cáo trước khi bán, nhưng anh đã không làm vậy, mà anh đã bán ra một số lượng lớn cổ phiếu. Việc luật quy định vầy là nhằm đảm bảo cho các cổ đông, nhà đầu tư khác, những người không thuộc diện báo cáo kịp thời có được thông tin để có thể quyết định việc mua thêm hay bán bớt loại cổ phiếu đó, nhằm giảm thiểu tác động xấu có thể xảy ra nếu người thuộc diện báo cáo bán ra một lượng lớn cổ phiếu đó. Vì luật quy định là vậy, nên nếu anh thuộc diện báo cáo mà anh không chịu báo cáo mà âm thầm bán luôn cổ phiếu, thì coi như anh đã vi phạm luật về giao dịch chứng khoán.

Ở một số quốc gia, thì các cổ đông lớn, người nội bộ của công ty khi bán ra chứng khoán của công ty đó thì không cần báo cáo hoặc thực hiện việc thông tin sau khi giao dịch, miễn sao  nộp thuế đầy đủ là được. Tuy nhiên, pháp luật về chứng khoán của phần lớn quốc gia vẫn chế tài, buộc một số đối tượng phải báo cáo trước khi giao dịch, và Việt Nam là một quốc gia nằm trong số đó.

Chế tài của pháp luật thì vô thiên lủng, có quốc gia phạt tiền rất nhẹ, có quốc gia phạt tiền khá nặng, có quốc gia vừa phạt tiền lẫn phạt tù và cấm người vi phạm tiếp tục chơi chứng khoán trong một thời gian nhất định.

Chứng khoán nguy hiểm vậy sao?

Thật ra, đã chơi cái gì thì cũng có nguy hiểm hết. Chứng khoán, mỹ miều thì gọi là đầu tư tài chính, không ưng thì kêu cờ bạc, chẳng sai. Mục tiêu cuối cùng của đầu tư hay lướt sóng  đều là lợi nhuận, nhà đầu tư hay con bạc cũng là kiếm tiền. Và đương nhiên, chẳng có thứ gì dễ dàng hay miễn phí, chẳng thể có chuyện cướp bank xong đi mua kawasaki để cùng sống hạnh phúc với công chúa đến già... không hề có chuyện đó đâu nha!

Nhưng mà nói đi rồi nói lại, phương thức kiếm tiền này đã tồn tại trên thế giới hơn 400 năm, Việt Nam mới hơn 20 năm, đương nhiên vẫn còn nhiều bỡ ngỡ và cũng nhiều cơ hội cho lòng tham. Xã hội nào, sân chơi nào cũng có người tốt, người xấu, người chơi ăn gian, người chơi đẹp và kể cả người đẹp trai như tác giả viết bài này. Nên chuyện ác, chuyện gian lận thì cũng là một mặt của xã hội đó, sân chơi đó.

Khi bước vào cuộc chơi, điều nguy hiểm nhất là không nhận ra mình đang chơi, và điều an toàn nhứt là biết dừng lòng tham đúng lúc (nói thì bao giờ cũng dễ).

Cho nên, nguy hiểm hay không là do mình nhận thức, có biết chấp nhận cuộc chơi hay không? À nói thêm, thị trường chứng khoán Việt Nam thì vẫn còn tương đối an toàn, bởi vì Nhà nước hay Nhà cái vẫn còn đặt biên độ, nghĩa là một cổ phiếu chỉ được tăng hoặc giảm không quá +-7%, +-10%, +-15% trong một ngày giao dịch, nên không có chuyện mới 100 lúc 9h30 thành 10 lúc 1h30 chiều như phần lớn sàn chứng khoán trên thế giới. Ngoài ra việc đặt ra quy tắc T3 với chứng khoán, nghĩa là mua xong 03 ngày sau mới có thể bán được, hoặc T2 bán xong thì 02 ngày sau tiền về, cũng góp phần giảm thiểu nồng độ "máu dog" của người chơi bạc...tuy nhiên, các sàn vẫn có margin cho các con bạc khát nước...

Nói vậy thôi, anh Quýt sai thì Cụ sẽ xử, à không, thì luật sẽ xử. Ngày nay quả táo nhãn lồng, nhưng mà nếu có chơi thì mới có trải nghiệm, và cũng có cơ hội kiếm tiền hoặc cháy túi, nhưng mà chơi gì thì cũng phải hiểu, phải học thì cũng đỡ thiệt hại trong quá trình chơi.

Tác giả bài viết này trước đây vốn rất cực đoan, coi chứng khoán như cờ bạc và thề không đụng đến kể từ năm 2006, cho đến khi Saigon phong tỏa, nằm nhà nhớ người yêu, bỗng sến nên yêu màu tím...từ đó trổ bóng, à không trở thành tay chơi chứng khoán hệ tâm linh, bốc thăm đoán mã, kiếm tiền mua que..chọc mũi...

À, chừng nào số đông đại chúng ra trường mua được nhà liền bằng công việc đầu tiên trong đời, thì khi đó chứng khoán mới lụi tàn... còn bây giờ làm 10 năm mà tiền để dành không đủ mua 0,1m2 đất Thủ Thiêm, thì vẫn sẽ đổ tiền vô chơi chứng khoán với ước mơ tài khoản x 100, vài năm nữa mua nhà, sắm xe, mang tiền về cho mẹ...

Ahihi !

HOA TIÊU.ONE

Bạn bè có thể  tặng tác giả một ly cà phê  đá qua Momo (quét mã gửi cà phê), để tác giả mắc thêm hứng viết bài đọc chơi, Cảm ơn các bạn: